Sở thích, khả năng, cá tính và giá trị nghề nghiệp là những yếu tố cơ bản, có ảnh hưởng mang tính quyết định đến sự thành đạt trong nghề nghiệp của mỗi người. Vì vậy, nó được coi là “gốc rễ” của “cây nghề nghiệp” và buộc mỗi người phải có năng lực nhận thức bản thân để hiểu rõ về nó trước khi chọn nghề. Nói cách khác, khi chọn bất cứ một ngành, nghề nào, mỗi người đều phải dựa vào sở thích nghề nghiệp, khả năng thực có, cá tính và giá trị nghề nghiệp của bản thân mình, tức là dựa vào “rễ” của “cây nghề nghiệp”. Nếu một người (nam hay nữ) quyết tâm theo học ngành, nghề phù hợp với “rễ” thì sau khi hoàn thành chương trình đào tạo sẽ có nền tảng vững chắc để thu được những “quả ngọt” trong nghề nghiệp, như cơ hội tìm kiếm việc làm cao; dễ dàng được tuyển dụng vào vị trí thích hợp; tìm được môi trường làm việc tốt; lương cao; được nhiều người tôn trọng...
Ý nghĩa và áp dụng: Thành đạt trong nghề nghiệp là ước vọng chính đáng của mỗi người. Để đạt được ước vọng, yếu tố quan trọng hàng đầu là phải chọn được hướng học, chọn nghề phù hợp với sở thích, khả năng, cá tính và giá trị nghề nghiệp của bản thân. Do vậy, việc tư vấn hướng nghiệp cá nhân dựa vào mô hình Lý thuyết cây nghề nghiệp là rất quan trọng.
Trong thực tế, phần lớn sinh viên khi được hỏi: “Vì sao em theo học ngành này hay thích nghề này?” thì câu trả lời thường là: “Tại vì công việc này hiện đang được xem là ngành nóng trong thị trường”, hay “Tại vì cơ hội việc làm của ngành này cao”, hoặc “Công việc của ngành này được trả lương tương đối cao so với các việc khác”. Những câu trả lời đó đang nói đến “quả” của cây nghề nghiệp.
Nhưng, những kết quả ấy chỉ đến khi một người lao động làm công việc phù hợp với sở thích và khả năng của họ, hay còn gọi là “gốc rễ” của cây nghề nghiệp. Một công việc có thể được xem là rất thịnh hành không có nghĩa là ai học nó ra cũng có việc làm tốt. Hầu hết các công ty, doanh nghiệp hoặc cơ quan tuyển dụng chỉ quan tâm tuyển những người lao động có đam mê, có khả năng làm việc tốt ở vị trí tuyển dụng chứ không coi việc họ đã tốt nghiệp ở ngành nghề phù hợp với vị trí yêu cầu là yếu tố quyết định. Học và tốt nghiệp một ngành không phải là yếu tố “nặng kí” để chứng minh rằng người đó có khả năng làm tốt các công việc có liên quan đến ngành nghề đã học. Có thể sau khi phỏng vấn và thử việc, người lao động sẽ nhanh chóng bị đào thải nếu không chứng minh được rằng công việc ấy phù hợp với sở thích và khả năng của mình.
Hiểu được lý thuyết này, sinh viên có thể nhận thức được đầy đủ ý nghĩa của việc chọn nghề có cơ sở khoa học và biết cách chọn ngành nghề dựa trên yếu tố “gốc rễ” (sở thích, khả năng, cá tính và giá trị nghề nghiệp), không chọn ngành, nghề tương lai dựa vào các yếu tố “quả” (lương cao, công việc dễ kiếm, chức vụ …) của cây nghề nghiệp.
(Nguồn: Tài liệu chuyên đề “Kỹ năng tư vấn cá nhân về khám phá, lựa chọn và phát triển nghề nghiệp cho học sinh Trung học” - Hồ Phụng Hoàng Phonix - NXB Đại học Quốc Gia Hà Nội)
Các tin đã đưa:
» Lý thuyết phát triển nghề nghiệp theo giai đoạn (01/01/2021)
» Lý thuyết mật mã Holland trong Hướng nghiệp (01/01/2021)